Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Nghề ngân hàng đang dần hạ nhiệt


Việc luân chuyển cán bộ và cắt giảm nhân sự, lương thưởng hiện là những yếu tố khiến nghề ngân hàng không còn là niềm mơ ước với nhiều người.


Tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Địa lý Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, Nguyễn Hồng Hạnh sẽ có thể kiếm được một vị trí tốt tại công ty du lịch. Nhưng mẹ Hạnh nhất định ép cô phải vào làm ngân hàng nơi có người quen bảo lãnh với giá 200 triệu đồng. Hạnh chia sẻ rất sợ phải làm việc với các con số và trong đầu không một chút kiến thức về tài chính.

Tuy nhiên, cô không thể chống lại lý lẽ quá thuyết phục của mẹ: “Con gái không nên đi nhiều. Mà ngồi một chỗ thì không nơi nào sướng như ngân hàng, trong khi lương thưởng khó ngành nào bì được”. Thế là Hạnh đành gác ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch sang một bên.


Nhiều ngân hàng đang tái cơ cấu nhân sự mạnh mẽ. Ảnh: PV


Quả như lời mẹ cô, trong khi nhiều bạn bè của Hạnh chật vật tìm việc làm, cô được trả 5 triệu đồng một tháng thời gian thử việc, mức này sau đó lên 7 triệu đồng khi chính thức. Từ năm 2009-2011, hằng năm Hạnh đều được tăng lương. Tính ra mỗi năm, cô nhận 100 triệu đồng tiền lương, riêng thưởng quý và Tết cũng lên tới 4-5 tháng lương.

Năm 2012, ngân hàng kinh doanh khó khăn, không đạt chỉ tiêu doanh số nên hầu hết nhân viên không được tăng lương, thưởng Tết cũng chỉ ở mức 2 tháng lương. Những trường hợp tay ngang như Hạnh bị đưa vào danh sách “xem xét”.

Hạnh đã bị chuyển từ phòng hành chính qua bộ phận tín dụng và áp chỉ tiêu doanh số giải ngân hằng tháng. Nếu không đạt chỉ tiêu, Hạnh bị trừ một mức lương tương ứng, tùy theo doanh số đạt được. Thời thế thay đổi, lương của cô giờ chỉ quanh mốc 5 triệu đồng mỗi tháng.

Chán nản, Hạnh muốn nghỉ việc trở lại làm đúng ngành đã học và cũng là mơ ước của cô. Tuy nhiên, công ty du lịch nào cũng yêu cầu 2-3 năm kinh nghiệm cho vị trí ứng tuyển tương ứng. Điều đó có nghĩa, nếu bắt đầu lại, Hạnh sẽ phải thử việc và hưởng lương ít ỏi mà cách đây 4-5 năm bạn của cô từng nhận.

Câu chuyện của Hạnh chỉ là một trường hợp nhỏ trong cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ từ năm 2012. Không ít lãnh đạo cấp cao hay nhân viên có thâm niên trong ngành cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Gây chú ý nhất là việc bà Bùi Thị Mai, nguyên Tổng Giám đốc Habubank, bị thuyên chuyển sang bộ phận thu hồi công nợ sau chưa đầy 3 tháng giữ chức Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) sau khi hai nhà băng sáp nhập.

Bà Mai gia nhập Habubank vào năm 1995 sau 10 năm công tác tại Bộ Tài chính và Viện Khoa học Việt Nam. Đến năm 2002, bà được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc và 6 năm sau lên chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Habubank.

Có thể nói sự phát triển thương hiệu ngân hàng cổ phần đầu tiên này ở Hà Nội gắn liền với tên tuổi của bà. Khi vướng phải khách hàng Vinashin với số nợ lên tới 3.000 tỷ đồng và không phát sinh lợi nhuận, Habubank gần như ngã gục. Khoản nợ xấu lên tới 23,66% (tương đương 3.729 tỷ đồng) là nguyên nhân của cuộc sáp nhập, khiến bà Mai bị thất thế.

Ví dụ tiếp theo là cuộc lọc máu tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Một nhân vật giấu tên cho biết, sau khi Tập đoàn Thiên Thanh tham gia tái cơ cấu TrustBank, bộ máy nhân sự cấp cao của ngân hàng này hầu như thay hoàn toàn. Vị này từng là nhà điều hành cấp cao tại một ngân hàng khác, được mời về đảm nhận một vị trí chủ chốt trong TrustBank. Tuy nhiên, ông cho biết cuộc thay máu dường như chỉ là bề nổi; về cơ bản, mọi hoạt động của ngân hàng chưa có chuyển biến rõ rệt nào.

Báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 được các ngân hàng công bố cho thấy lợi nhuận tiếp tục giảm mạnh trong khi tỷ lệ nợ xấu vẫn gia tăng. Vì thế, việc cắt giảm chi phí và tiếp tục tái cơ cấu trong đó có bộ máy nhân sự là tất yếu.

Từ năm 2012 đến nay, các ngân hàng liên tục cắt giảm và tuyển dụng nhân sự. Điển hình là cuộc sàng lọc tại Ngân hàng Á Châu (ACB) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank). Năm 2012, ACB đã tuyển 1.663 người còn VietinBank là 1.218 người. Thế nhưng, nửa đầu năm nay, ACB đã cắt giảm 7% số nhân viên, tương đương 568 người, VietinBank cắt 189 người. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng giảm 285 nhân viên trong 4 tháng đầu năm.

Trong khi nhiều ngân hàng cắt giảm mạnh nhân sự, một số nhà băng khác vẫn tuyển dụng với số lượng lớn như Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) khi tăng thêm 883 nhân viên trong 6 tháng đầu năm nay. Một nguồn tin tại Sacombank cho biết, không chỉ tăng số lượng nhân viên, ngân hàng này còn dự kiến tăng lương do doanh số 6 tháng đầu năm đã vượt chỉ tiêu.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, sự thay đổi nhân sự này gắn liền với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và đó là diễn biến tích cực. Việc ngân hàng này cắt giảm nhân sự sẽ là cơ hội tốt để các nhà băng khác có thêm sự lựa chọn, tuyển được những ứng viên sáng giá, đáp ứng tốt yêu cầu công việc, ông Hiếu nhận xét.

Bà Tiêu Yến Trinh, Giám đốc Công ty Tư vấn Nhân sự TalentNet cũng cho biết thêm: “Chúng tôi thấy các ngân hàng vẫn đầu tư cho nhân sự chủ chốt và tìm kiếm nhân viên giỏi. Sự khác biệt ở đây có chăng là các ngân hàng sẽ ngày càng chú trọng hơn đến chất lượng lao động cũng như chính sách giữ nhân tài”.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

1 nhận xét: