Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2023

“Ăn chắc, mặc bền” với cổ tức



Thị trường chứng khoán Việt Nam không thiếu cổ phiếu có truyền thống chi trả cổ tức cao lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm %. Đa phần là các doanh nghiệp sản xuất có lợi nhuận ổn định, thậm chí tăng trưởng qua từng năm.

 

Mua cổ phiếu “ăn” cổ tức (tiền mặt) là chiến lược đầu tư không hiếm trên sàn chứng khoán nhưng đôi khi lại bị “lu mờ” bởi những con sóng đầu cơ dồn dập. Với những người ưa thích lướt sóng, vài đồng cổ tức chỉ là “cơm thêm”, có thì tốt mà không có cũng chẳng sao. Nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít nhà đầu tư theo trường phái “ăn chắc, mặc bền”, nắm giữ dài hạn hưởng cổ tức.

Khá may mắn, thị trường chứng khoán Việt Nam không thiếu cổ phiếu có truyền thống chi trả cổ tức cao lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm %. Những “con gà đẻ cổ tức” trải khắp trên cả 3 sàn với quy mô đa dạng từ bluechips cho đến midcap, penny.


Dấu * là kế hoạch cổ tức cho năm 2022 nhưng chưa thực hiện chi trả

Nhà đầu tư có thể thoải mái lựa chọn mà không ngại vấn đề thanh khoản. Từ các cá nhân - nòng cốt của thị trường có vốn khiêm tốn đến những "tay to" vốn khủng đều có thể đi tiền. Từ vài trăm triệu đến hàng trăm tỷ, vốn cỡ nào cũng có cổ phiếu phù hợp để đầu tư.

Danh sách chọn lựa bao gồm rất nhiều cái tên quen thuộc như Vianmilk (VNM), Sabeco (SAB), Nhựa Bình Minh (BMP), PV Gas (GAS), VEAM Corp (VEA), Dược phẩm Trung ương 3 (DP3), Mía đường Sơn La (SLS),… với truyền thống chi trả cổ tức hàng chục % mỗi năm. Ngay cả “tân binh” là Phốt pho Apatit Việt Nam (PAT) thậm chí cũng chơi lớn khi chia cổ tức đến 306,55% cho năm 2022.

Đa phần tỷ lệ cổ tức năm ngoái/thị giá của nhóm này đều khá hấp dẫn, cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng 12 tháng, thậm chí còn lên đến 2 chữ số. Đây là tỷ suất sinh lời đáng mơ ước trong bối cảnh thị trường biến động không thuận lợi. Việc điều chỉnh giá khi lăn chốt cổ tức có thể là rào cản trong ngắn hạn nhưng không thể phủ nhận giá trị mà việc đầu tư dài hạn mang lại khi nắm giữ những cổ phiếu này.

Về cơ bản, cổ tức cao đều đặn phần nào cho thấy sức khoẻ của doanh nghiệp. Chính sách cổ tức được duy trì đều đặn trên nền tảng doanh nghiệp “ăn nên, làm ra”. Lợi nhuận ổn định, thậm chí tăng trưởng qua từng năm cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy cổ phiếu trên thị trường đi lên. Vì thế, nhà đầu tư dài hạn có thể “ung dung” hưởng lãi kép nhờ nắm giữ những cổ phiếu “sòn sòn” cổ tức cao hàng năm.


Có thể dễ dàng nhận thấy, nhóm có truyền thống chia cổ tức cao đều đặn hàng năm đa phần nằm trong lĩnh vực sản xuất. Các doanh nghiệp này thường xuyên duy trì lợi nhuận ổn định, một số trường hợp tăng trưởng đều tạo tiền đề cho chính sách cổ tức phóng khoáng. Thêm nữa, khá nhiều trong số này là doanh nghiệp có vốn Nhà nước và việc chia cổ tức cao là điều gần như bắt buộc.

Theo Nghị định 140/2020/NĐ-CP, các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, sau khi chia lãi cho các bên góp vốn, bù đắp khoản lỗ của các năm trước, trích quỹ khen thưởng, phúc lợi, trích quỹ đầu tư phát triển (tối đa 30%) thì phần lợi nhuận còn lại sẽ thực hiện chia hết cổ tức, lợi nhuận bằng tiền mặt cho các cổ đông.

Quy định này khiến cổ đông của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm quyền chi phối như PV Gas, VEAM Corp có thể yên tâm với chính sách cổ tức hàng năm. Thậm chí, những doanh nghiệp Nhà nước không còn nắm quyền chi phối như Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh cũng không ngần ngại “dốc hầu bao” khi trích gần như toàn bộ lợi nhuận để chi trả cổ tức hàng năm.

Đây là một trong những yếu tố làm gia tăng sức hút của các cổ phiếu này trong mắt khối ngoại. Điển hình như trường hợp của Thaibev tại Vinamilk, Sabeco hay SCG tại Nhựa Bình Minh, cổ tức cao hàng năm đem lại cho các tập đoàn này dòng tiền ổn định qua đó bù đắp một phần số tiền bỏ ra để mua gom cổ phần đồng thời có thêm nguồn lực để triển khai các kế hoạch trong tương lai.

Thực tế cho thấy chiến lược đầu tư “ăn” cổ tức không chỉ hấp dẫn với các nhà đầu tư cá nhân mà còn cả các tổ chức. Minh chứng rõ ràng nhất là việc Quỹ đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu DC (DC Blue Chip Fund, DCBC) thuộc Dragon Capital mới đây đã thay đổi mục tiêu đầu tư tập trung vào nguồn thu đều đặn từ lãi và cổ tức thay vì các doanh nghiệp hàng đầu niêm yết trên sàn như trước.

Theo chiến lược mới, DCBC sẽ tập trung dành 100% tài sản quỹ vào cổ phiếu các doanh nghiệp có lịch sử trả cổ tức đều đặn trong quá khứ hoặc trong thời gian tới tại tất cả các ngành nghề. Đáng chú ý, cơ cấu đầu tư sau khi thay đổi sẽ không đầu tư vào trái phiếu niêm yết, trái phiếu chào bán ra công chúng, trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Động thái của “cá mập” DCBC (do Dragon Capital quản lý) như một lời khẳng định cho vị thế của trường phái đầu tư dài hạn “ăn” cổ tức sẽ không bao giờ lỗi thời ngay cả trong bối cảnh làn sóng đầu cơ áp đảo trên thị trường chứng khoán.
--

Vina Forex







Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2023

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc



Khuyến nghị: KHẢ QUAN

Giá mục tiêu 1 năm: 36.900 Đồng/cp

Tăng: +15,3%

Giá hiện tại (tại ngày 08/08/2023): 32.000 Đồng/cp

Trong Q2/2023, KBC đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 2 nghìn tỷ đồng (+421% svck) và 747 tỷ đồng (so với khoản lỗ 323 tỷ đồng trong Q2/2022). Mức tăng trưởng mạnh trong Q2 chủ yếu nhờ doanh thu cho thuê đất KCN tăng 625% svck, đóng góp đến 95% tổng doanh thu. 

https://img.homedy.com/store/img/2016/5/10/510kinhbac.jpg

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu đạt 4,27 nghìn tỷ đồng (+294% svck) và LNST đạt 1,8 nghìn tỷ đồng (+800,3% svck), lần lượt hoàn thành 47% và 45% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2023. Tính đến cuối Q2, KBC có 185 ha đất đã cam kết cho thuê với một số khách hàng, trong đó KBC đã bàn giao 128 ha trong 6 tháng đầu năm. Trong nửa cuối năm 2023, ban lãnh đạo của KBC dự kiến sẽ bàn giao lên tới 100 ha tại KCN Quang Châu, KCN Tân Phú Trung và KCN NSHL. Đồng thời, công ty cũng kỳ vọng sẽ bàn giao đất tại Khu đô thị Phúc Ninh sau khi hoàn tất nộp tiền sử dụng đất. Nếu đúng như kế hoạch, KBC có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh tham vọng trong năm nay, cụ thể là 9 nghìn tỷ đồng doanh thu (+840% svck) và 4 nghìn tỷ đồng (+151% svck) LNST.

Chúng tôi hiện ước tính doanh thu thuần và LNST năm 2023 lần lượt là 7,7 nghìn tỷ đồng (+699% svck) và 2,9 nghìn tỷ đồng (+80,6% svck), theo đó, LNST nửa cuối năm 2023 có thể giảm 23% so với nửa cuối năm 2022 do Công ty ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường đến từ đánh giá lại khoản đầu tư trong Q3/2022 (2,2 nghìn tỷ đồng); nếu chúng tôi loại trừ khoản lợi nhuận bất thường này, nửa cuối năm 2022 sẽ bị ghi nhận lỗ trong khi nửa cuối năm 2023 ghi nhận lợi nhuận khả quan từ mảng kinh doanh cốt lõi.

Tại mức giá 32.000 đồng/cổ phiếu, KBC đang giao dịch với P/E 2023 là 9,3x và P/B là 1,4x, P/E 2024 là 6,0x và P/B là 1,2x. Chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN, nhưng nâng giá mục tiêu lên 36.900 đồng/cổ phiếu (từ 33.000 đồng/cổ phiếu), tiềm năng tăng giá là 15,3% so với giá hiện tại, nhờ giả định giá cho thuê tăng và tỷ suất lợi nhuận gộp dự kiến cao hơn tại các KCN trọng yếu.

Đinh Thị Mai Anh, Trung tâm Phân tích & Tư vấn Đầu tư Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI

Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

Cổ phiếu DTG sẽ giao dịch trên sàn HNX từ 12/07

 Ngày 29/06/2023, HĐQT CTCP Dược phẩm Tipharco (UPCoM: DTG) đã thông qua Nghị quyết về ngày giao dịch và giá tham chiếu dự kiến trong ngày giao dịch đầu tiên tại sàn HNX.

Ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu DTG tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) là 12/07/2023.

Nguyên tắc tính giá tham chiếu phải nhỏ hơn hoặc bằng giá tham chiếu cổ phiếu giao dịch trên hệ thống UPCoM trung bình 30 phiên gần nhất trước ngày giao dịch đầu tiên trên HNX, theo thông báo gửi đến HNX về ngày giao dịch đầu tiên sau khi có quyết định chính thức.

Trước đó, HNX thông báo 30/06/2023 là ngày giao dịch cuối cùng của hơn 6.3 triệu cp DTG, ngày hủy đăng ký giao dịch là 03/07/2023 với lý do cổ phiếu DTG được chấp thuận niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

 

 

Dược phẩm Tipharco tiền thân là Công ty Dược phẩm Tiền Giang, được thành lập năm 1976. Sau đó 1 năm, Công ty tách và thành lập hai đơn vị Xí nghiệp Dược Phẩm Tiền Giang và Công ty Dược phẩm cấp II.

Sau khi sáp nhập và thành lập thêm doanh nghiệp, đến năm 2006, Công ty chuyển sang công ty cổ phần và đổi tên thành CTCP Dược phẩm Tipharco.

Công ty chủ yếu sản xuất kinh doanh dược phẩm và vật tư y tế, thực phẩm bổ sung, vắc-xin, sinh phẩm, mỹ phẩm, chế phẩm, bao bì; nhập khẩu và xuất khẩu nguyên liệu, hóa chất, bao bì, dược phẩm; gia công, nhượng quyền, đại lý trong sản xuất kinh doanh dược phẩm, vật tư y tế, thực phẩm bổ sung và các thiết bị sản xuất kinh doanh thuộc ngành y tế...


Về cơ cấu cổ đông, ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (HOSE: BCG) - đang sở hữu 24.86% vốn tại DTG, tương đương 1.57 triệu cp. Kế đến là bà Đặng Thị Thu Hằng - Thành viên HĐQT DTG sở hữu 24.41% (1.54 triệu cp). CTCP Bamboo Capital cũng sở hữu 21.01% vốn tại DTG (1.32 triệu cp).

Ngày 28/02/2017 là ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu DTG trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 20,600 đồng/cp.

Kết phiên sáng 30/06/2023, cổ phiếu DTG dừng ở mức 27,500 đồng/cp, tăng 17% so với đầu năm. Thanh khoản bình quân trên 2,000 cp/ngày.


Về kết quả kinh doanh, trong 5 năm gần đây, cả doanh thu thuần và lãi ròng của DTG đều trong xu hướng đi ngang.  

Đến năm 2022, DTG mới tạo được đột phá khi doanh thu thuần đạt 297 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021. Lợi nhuận ròng đạt 18 tỷ đồng, so với 1 tỷ đồng năm 2021.

 



Cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán hiện nay




Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/6, cổ phiếu XDC của CTCP Xây dựng Công trình Tân Cảng có phiên tăng trần liên tiếp thứ 9, đẩy thị giá lên 767.100 đồng/cổ phiếu cao nhất toàn sàn.

 



Sau hơn 2 tháng với 29 phiên tăng trần và chuỗi 9 phiên tăng trần liên tiếp, hôm nay, XDC đã trở thành cổ phiếu “đắt đỏ” nhất sàn chứng khoán. Từ vùng giá khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 6, đến nay, XDC đã tăng 55 lần. Thị giá XDC vượt qua VNZ (726.000 đồng/cổ phiếu).

Trong chuỗi phiên tăng trần ấn tượng vừa qua, thanh khoản XDC rất èo uột, chỉ vài trăm đơn vị/phiên. Phiên ngày 27/6, chỉ có 510 cổ phiếu tăng trần, giá trị 391 triệu đồng.

Cổ phiếu XDC mới niêm yết trên UPCoM vào ngày 1/12/2022, Trước đó, doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa. Ngày 21/10/2022, gần 3,28 triệu cổ phiếu XDC được chào bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng (tỷ lệ khoảng 36% cổ phần), với giá khởi điểm 15.322 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị huy động dự kiến hơn 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên chỉ có 3 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá và mua thành công 8.200 cổ phần, với giá bình quân 15.502 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền công ty thu được hơn 127 triệu đồng. Sau đó, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận cho XDC đăng ký giao dịch tại HNX đối với số cổ phần trúng đấu giá, và đã được thanh toán (8.200 cổ phần).

Vừa qua, XDC đã thông báo thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chuyển đổi từ công ty TNHH một thành viên sang công ty cổ phần.

XDC tiền thân là đơn vị công binh thuộc Quân chủng Hải quân. Công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sửa chữa công trình thủy; nạo vét cảng sông, cảng biển và cho thuê máy móc cẩu bờ tại các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hoà, Vũng Tàu, TPHCM… Theo báo cáo tài chính kiểm toán, năm 2022 doanh thu XDC đạt 279 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 8 tỷ đồng, giảm 9%.


Sản Phẩm Tài Chính